Cuộc điều tra và kết luận gây tranh cãi của phái đoàn Liên Hiệp Quốc Biến_cố_Phật_giáo_năm_1963

Ngày 4/9/1963, 14 nước bao gồm Afghanistan, Algeria, Cambodia, Ceylon, Guyana, India, Indonesia, Mông Cổ, Nigeria, Pakistan, Rwanda, Sierra Leone, Somalia, Trinidad và Tobago đưa vấn đề Phật giáo Việt Nam ra trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với nội dung cáo buộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa vi phạm các nguyên tắc của hiến chương Liên Hiệp Quốc. Ngày 4/10/1963, Việt Nam Cộng hoà gửi thư lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mời một phái đoàn sang Việt Nam điều tra về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Cuối tháng 10, Liên Hiệp Quốc cử phái đoàn gồm 16 thành viên đại diện 7 quốc gia Afghanistan (trưởng phái đoàn), Brazil, Ceylon, Costa Rica, Dahomey, Morroco và Nepal sang Việt Nam Cộng Hòa điều tra tìm hiểu sự thật. Cuộc điều tra kết thúc khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết vào ngày 1-11-1963.

Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã phỏng vấn nhiều người bao gồm các quan chức Việt Nam Cộng hòa, các lãnh đạo Phật giáo. Tuy nhiên, không có giáo sĩ Công giáo hoặc thường dân nào được mời tham gia trong việc điều tra.[75]

Theo nhà báo Vũ Bằng, người sống ở miền Nam thời bấy giờ, là nhân viên tình báo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vợ chồng Ngô Đình Nhu đã sử dụng nhiều mánh lới để “mua” phái đoàn điều tra về vụ Phật giáo do Liên Hiệp Quốc cử sang, bao gồm cả việc chụp hình các thành viên của phái đoàn Liên Hiệp Quốc đang mua dâm trong những ngày làm việc ở Sài Gòn, nhằm khiến đoàn điều tra đưa ra những kết luận có lợi cho chính phủ Ngô Đình Diệm.[76]

Trong báo cáo điều tra của Liên Hiệp Quốc[4], thiếu tướng Trần Tử Oai cho rằng:

Một cuộc điều tra sát các sự kiện bộc lộ rằng vấn đề Phật giáo chỉ có một khía cạnh tôn giáo giới hạn, và yếu tố chính trị là phần quan trọng hơn, đặc biệt trong giai đoạn cuối của sự phát triển của nó...

Ở Việt Nam, không người nào chối bỏ rằng từ khi Tổng thống Ngô Đình Diệm nhậm chức, sự lan truyền niềm tin tôn giáo và thực hành thờ phụng tôn giáo đã luôn được thực hiện theo một kiểu hoàn toàn tự do ở thành thị cũng như ở nông thôn..."

Trong việc thực thi quyền lực, chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã luôn tôn trọng tất cả mọi điều khoản hiến pháp, đặc biệt những điều liên quan đến nhân quyền, và một điều chắc chắn rằng không lúc nào có sự đàn áp Phật giáo hoặc kỳ thị tôn giáo...

Trên thực tế, "Biến cố Phật giáo" chỉ là một cuộc khủng hoảng của sự phát triển Phật giáo, một cuộc khủng hoảng mà tất cả mọi kẻ thù của nhân dân đã cố gắng khai thác cho mục đích cuối cùng của họ. Nếu một người chăm chú theo dõi sự tiến hóa của Phật giáo ở Việt Nam, người đó phải công nhận rằng, trong những năm gần đây, tôn giáo này được biết đến với một sự phát triển nhanh chóng theo một con đường mà những tu sĩ Phật giáo có thẩm quyền cho thấy bản thân họ không thể thực hiện vai trò lãnh đạo, đặc biệt khi việc đào tạo tu sĩ và kiểm soát họ đáng lẽ ra phải được quan tâm.[4]

Một số kết luận điều tra (rằng "không có ai chết vì súng bắn") đã bị phản bác bởi bác sĩ người Ðức Erich Wulff, nhân chứng của vụ nổ súng ở Huế. Ông kể: "Chúng tôi nghe khoảng 10 phát súng nổ kêu vang và khô khan... Tôi có thể nhìn thấy rõ ràng đầu ngọn lửa phát ra từ họng súng của hai chiếc xe án ngự nơi bồn tròn nằm phía đầu cầu Tràng Tiền. Sau tiếng súng là một chập im lặng... Từng nhóm từ mười đến hai mươi người vung tay lên bày tỏ sự bất bình của mình. Ðúng vào lúc đó một loạt súng trường bắt đầu nhả đạn. Một chiếc thiết giáp bắt đầu tìm cách phân tán những đám nhỏ này. Thiếu tá Sỹ lệnh cho chúng tôi phải rời đi, ông ta là một người Kitô quá khích và là người thân tín của Tổng giám mục Thục". Ông cho biết những nạn nhân có những vết thương nghiêm trọng do đạn bắn chứ không phải như Đặng Sỹ nói. Ông thuật lại: "Dưới ánh sáng yếu ớt của đèn bạch lạp, chúng tôi thấy có bảy thân người đầy máu me được đặt trên ba bàn khám nghiệm bằng đá. Từ chân đến ngực thân thể họ còn nguyên vẹn. Nhưng năm cái xác – tất cả là trẻ em - thì không còn đầu. Nơi một người phụ nữ thì có những vết đạn bắn vào cánh tay, vai và cổ. Các xe thiết giáp đã bắn nát đầu các em thiếu nhi, có lẽ vào lúc các em leo qua hàng rào của Ðài phát thanh và nhô đầu ra trước". Những lời tường thuật đầu tiên này được ghi lại chỉ không đầy một giờ đồng hồ sau biến cố; đã được dùng làm bằng cớ vào tháng 9 năm 1963 trước Ủy ban Việt Nam của Liên Hiệp quốc, kèm theo với lời khai danh dự chứng thật nguyên bản của Giáo sư Krainick.[77]